Án tích là gì? Đặc điểm và hậu quả pháp lý của người mang án tích

1. Án tích là gì?

Trong luật hình sự Việt Nam, vấn đề án tích được đề cập đến kể từ khi BLHS năm 1985 có hiệu lực. Tuy nhiên, để hiểu án tích là gì thì cho đến nay trong các BLHS Việt Nam chưa có một điều luật nào đưa ra định nghĩa pháp lý về án tích, cũng như chưa có một công trình nghiên cứu chuyên khảo độc lập nào đề cập, nghiên cứu chế định án tích một cách toàn diện và có hệ thống.

Việc Bộ luật Hình sự không quy định hoặc giải thích một cách cụ thể như thế nào được gọi là án tích đã dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm, đặc điểm, bản chất và ý nghĩa của án tích.

Căn cứ vào thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, có hiểu án tích như sau:

Án tích là đặc điểm xấu về nhân thân của người đã bị kết án và áp dụng hình phạt, được ghi và lưu lại trong lý lịch tư pháp trong thời gian nhất định, là hậu quả pháp lý bất lợi cho người mang án tích”.

Án tích tồn tại đối với người bị kết án bằng bản án buộc tội của Toà án. Án tích là một đặc điểm nhân thân gắn liền với người đã từng phạm tội và bị kết án.

Xem thêm:

Các trường hợp phạm tội không mang án tích

Hậu quả bất lợi của người mang án tích

2. Đặc điểm của án tích

– Về đối tượng:

Án tích tồn tại đối với người bị kết án bằng bản án buộc tội của Toà án. Án tích là một đặc điểm nhân thân gắn liền với người đã từng phạm tội và bị kết án. Do đó, không có tội phạm thì không có án tích, chỉ có người phạm tội mới phải mang án tích.

– Về phạm vi:

Đối tượng mang án tích là những người bị kết án bằng bản án có hiệu lực của Toà án và bị tuyên áp dụng hình phạt (hình sự). Tuy nhiên, không phải bất cứ người phạm tội bị kết án nào cũng mang án tích.

Đối với người được miễn trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng các biện pháp tư pháp thì không mang án tích.

– Về thời điểm xuất hiện án tích:

Án tích xuất hiện ngay sau khi người phạm tội bị Toà án kết tội bằng một bản án buộc tội có hiệu lực pháp luật.

– Về thời hạn tồn tại:

Án tích chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Án tích là đặc điểm nhân thân xấu và việc mang án tích có thể mang lại những hậu quả pháp lý bất lợi cho người mang án tích nên không thể buộc họ phải vĩnh viễn mang án tích cho một tội danh.

Do đó, án tích có thể được xoá sau một thời gian đủ để chứng tỏ người phạm tội đã “hoàn lương” – không còn nguy hiểm đối với xã hội nữa. Đây được coi là thời gian thử thách đối với người bị kết án chấp hành xong hình phạt.

Thời hạn của án tích được bắt đầu từ khi bản án của Toà án được tuyên, kết thúc khi được xoá bỏ theo quy định của pháp luật.

An Tich La Gi Dac Diem Va Hau Qua Phap Ly Cua Nguoi Mang An Tich

Án tích là gì? Đặc điểm và hậu quả pháp lý của người mang án tích

3. Hậu quả pháp lý của Án tích

a. Án tích thể hiện đặc điểm xấu về nhân thân: 

– Án tích chính là đặc điểm xấu về nhân thân chứng tỏ một người có án tích đã từng bị kết án vì đã phạm tội.

– Khi một người phạm tội đã bị tòa án áp dụng hình phạt thì hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu không chỉ là chấp hành hình phạt đó mà còn bị coi là có án tích. Một sự bất lợi rất lớn cho họ trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội cũng như khi có hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi phạm tội mới.

– Người mang án tích, trong lý lịch tư pháp cũng như các giấy tờ chứng thực về nhân thân sẽ bị ghi “có tiền án”, đồng thời cũng chỉ rõ tội phạm cũng như hình phạt mà họ phải gánh chịu.

– Khi đó, án tích như một “vết bẩn” trong lý lịch của người phạm tội, dẫn tới sự kỳ thị, những cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội. Điều này sẽ gây ra không ít khó khăn trong quá trình sinh hoạt, tham gia các hoạt động xã hội, làm cản trở con đường hoàn lương của người bị kết án.

– Hơn nữa, để bảo đảm tính phòng ngừa tội phạm thì Nhà nước sẽ hạn chế bớt một số quyền của người đang bị mang án tích trong một số lĩnh vực nhất định.

b. Án tích là căn cứ để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm, định tội hoặc định khung tăng nặng:

– Việc mang án tích có thể là căn cứ để xác định hành vi phạm tội mới là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Từ đó, người mang án tích sẽ có thể bị áp dụng tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt, tình tiết để tăng nặng trách nhiệm hình sự, hay yếu tố định tội.

– Như vậy, dấu hiệu “chưa xóa án tích” – mang án tích” chính là dấu hiệu quan trọng để xem xét hành vi phạm tội của người phạm tội có tái phạm hay tái phạm nguy hiểm hay không.

– Dấu hiệu tái phạm, tái phạm nguy hiểm này sẽ là căn cứ để xác định có áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 52 BLHS hay tình tiết định khung hình phạt hay không.

– Khi có dấu hiệu còn án tích và tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì hành vi phạm tội thường bị áp dụng theo khung hình phạt tăng nặng.

c. Án tích thể hiện tính chất nghiêm trị của pháp luật hình sự đối với những người phạm tội:

– Án tính thể hiện rõ tính chất nghiêm trị của pháp luật hình sự đối với những người phạm tội, đặc biệt là đối với những trường hợp ngoan cố, tái phạm đã được khẳng định tại điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015:

c) Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”.

d. Án tích hạn chế quyền của một số người liên quan đến người bị kết án

– Theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục II của Thông tư số 53/2012/TT-BCA ngày 15/8/2012 của Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thì những người muốn dự tuyển vào ngành Công an nhân dân thì bản thân và gia đình phải tuyệt đối chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phải chưa từng có tiền án.

– Nếu như người muốn dự tuyển vào ngành công an nhân dân mà có người thân (cha, mẹ) đã từng có tiền án, kể cả trường hợp đã được xóa án tích thì vẫn không được xét tuyển, sơ tuyển vào lực lượng Công an nhân dân.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp lý vui lòng liên hệ 0898 485 485 (Ls Nhật) để được tư vấn.

———————–

Xem thêm:

 

# Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *