Bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự

1. Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật 

Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mỗi công dân như sau:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Căn cứ quy định trên, như vậy:

Công dân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự cho mọi loại tội phạm mà họ gây ra.

Công dân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù), tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình) tại các tội như tội giết người, tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi,… .

Đối với một tội danh có nhiều khoản, mà mỗi khoản lại quy định một khung hình phạt khác nhau (từ loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng – Ví dụ tội cố ý gây thương tích theo Điều 134), công dân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm của họ rơi vào các khoản 3, 4 (tội phạm rất nghiêm trọng), khoản 5 (tội phạm đặc biệt nghiêm trọng); không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội của họ rơi vào các khoản 1, 2 (tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng).

Bao Nhieu Tuoi Phai Chiu Trach Nhiem Hinh Su Hang Luat Alegal

Bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?

2. Cách tính tuổi của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự

Căn cứ Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH và Điều 417 BLTTHS 2015 quy định về căn cứ xác định tuổi bị can, bị cáo như sau:

Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy chứng sinh;

b) Giấy khai sinh;

c) Chứng minh nhân dân;

d) Thẻ căn cước công dân;

đ) Sổ hộ khẩu;

e) Hộ chiếu.

Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định như sau:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

Trường hợp đã áp dụng tất cả các biện pháp trên nhưng vẫn không xác định được tuổi của bị can, bị cáo thì Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các phương pháp giám định khoa học (ví dụ giám định độ tuổi của xương) để xác định tuổi. Kết quả giám định có lợi nhất (thấp nhất) của bị can, bị cáo sẽ được xác định là độ tuổi của bị can, bị cáo.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp lý vui lòng liên hệ 0898 485 485 (Ls Nhật) để được tư vấn.

———————–

Xem thêm:

 

Phòng vệ chính đáng là gì? Điều kiện để được công nhận là phòng vệ chính đáng?

Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra

# Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *