Đại dịch Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng?

Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định về trách nhiệm bắt buộc phải chia sẻ thiệt hại do gặp phải sự kiện bất khả kháng, nhưng bên bị thiệt hại hoàn toàn có quyền đề nghị bên kia xem xét miễn/giảm các nghĩa vụ tài chính liên quan để chia sẻ thiệt hại với mình, vì bản chất của bất khả kháng là sự kiện khách quan ngoài khả năng tiên liệu của cả hai bên, chứ không phải do lỗi của bên không thực hiện đúng nghĩa vụ đó.

1. Sự kiện bất khả kháng là gì? 

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể tiên liệu được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong điều kiện và khả năng cho phép (lũ lụt, động đất, núi lửa, chiến tranh…).

Theo quy định của pháp luật, sự kiện bất khả kháng là sự kiện được sử dụng để miễn trách nhiệm dân sự cho người vi phạm hợp đồng hoặc có hành vi gây thiệt hại cho người khác.

Sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện khách quan, ngoài ý chí của người có hành vi vi phạm, tác động vào hành vi của người vi phạm. Việc không thể khắc phục được sự kiện này không thể tránh khỏi không chỉ riêng đối với người vi phạm mà còn đối với bất cứ một người nào khác cũng nằm trong điều kiện và hoàn cảnh đó.

Trong trường hợp riêng biệt do pháp luật quy định người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm cả trong trường hợp bất khả kháng.

2. Điều kiện để một sự kiện coi là bất khả kháng

  • Xảy ra một cách khách quan: Sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của các bên có hành vi vi phạm hợp đồng.
  • Không lường trước được: Hậu quả xảy ra không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm.
  • Hậu quả xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Dai Dich Covid19 Co Phai La Su Kien Bat Kha Khang Khong Hang Luat Alegal

Đại dịch covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng không?

3. Dịch bệnh Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”

Như vậy, để đại dịch Covid-19 được coi là sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng các tiêu chí sau:

Thứ nhất, phải là sự kiện xảy ra một cách khách quan. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra buộc Cơ quan nhà nước phải có những hành vi, quyết định, văn bản nhất định để ngăn chặn tính lây lan của dịch bệnh. Các hành vi, quyết định, văn bản trên nằm ngoài ý chí của các bên nên nó đáp ứng được tiêu chí khách quan của sự kiện bất khả kháng.

Thứ hai, phải là sự kiện không thể lường trước được. Ở đây chúng ta cần xác định thời điểm xác lập hợp đồng hay thỏa thuận. Trong trường hợp tại thời điểm các bên xác lập hợp đồng mà khi đó các bên đã biết hoặc phải biết về quyết định công bố dịch và các biện pháp pháp lý có thể được áp dụng để hạn chế sự lây lan và phát triển dịch dịch bệnh nhưng vẫn ký kết hợp đồng thì việc dịch bện ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng sẽ không được coi là sự kiện bất khả kháng.

Thứ ba là không thể khắc phục được. để chứng minh điều kiện này, doanh nghiệp các bên có thể viện dẫn lý do buộc phải tạm dừng các hoạt động và thực hiện cách ly xã hội quyết định, văn bản của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ như đối với các hợp đồng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn có thể viện dẫn lý do phải thực hiện các lệnh cấm hoặc các biện pháp phòng chống dịch được ban bố bởi các nước liên quan.

Vì vậy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến việc thực hiện hợp đồng của các bên chỉ được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng đủ các điều kiện trên. 

4. Các lưu ý cho doanh nghiệp trong đại dịch

Khi đã xác định đại dịch Covid-19 là một sự kiện bất khả kháng trong một giao dịch dân sự cụ thể, Bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng bắt buộc phải gửi thông báo cho bên kia trong một thời hạn hợp lý. 

Trong trường hợp nếu các bên không có thỏa thuận cụ thể về hậu quả của việc không thông báo, thì các bên sẽ tuân theo luật áp dụng để giải quyết. Theo nguyên tắc chung của phần lớn luật áp dụng, nếu bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng vi phạm nghĩa vụ thông báo thì sẽ không được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng.

Đối với các giao dịch mang tính quốc tế, Điều 79.4 của Công ước viên năm 1980 của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế quy định:

Bên không thực hiện hợp đồng phải thông báo cho phía bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đến khả năng thực hiện hợp đồng. Nếu phía bên kia không nhận được thông báo về điều đó trong thời hạn hợp lý sau khi bên không thực hiện hợp đồng đã biết hoặc buộc phải biết về trở ngại đó, thì bên không thực hiện hợp đồng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra cho phía bên kia do không nhận được thông báo.

Do vậy, để bảo đảm lợi ích của mình, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng cần xem xét thực hiện các biện pháp sau đây:

1. Gửi thông báo bằng văn bản (fax, telegraph, email, điện tín, thư bảo đảm,…) về sự kiện bất khả kháng trong thời hạn hợp đồng hoặc luật áp dụng quy định nếu không có quy định thì trong một thời gian hợp lý.

2. Thu thập và gửi kèm các chứng cứ chứng mình sự kiện bất khả kháng. Nếu một bên gửi cho bên kia một thông báo về sự kiện bất khả kháng mà không có tài liệu chứng minh thì chắc chắn sẽ không được chấp nhận. Vì vậy việc chuẩn bị các chứng cứ để được hưởng miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng là rất cần thiết.

3. Ưu tiên sự thoả thuận và đàm phán với đối tác về phương hướng xử lý hậu quả do sự kiện bất khả kháng gây ra. Bất khả kháng là điều mà các bên tham gia giao dịch không mong muốn, tuy nhiên các thiệt hại của nó gây ra là hiển nhiên và không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc đề ra phương án giải quyết hậu quả càng sớm càng tránh gây thiệt hại cho các bên.

4. Trong trường hợp các bên thất bại trong việc thoả thuận giải quyết hậu quả của bất khả kháng, một bên trong giao dịch có thể xem xét yêu cầu Toà án tuyên bố sự ảnh hưởng của đại dịch covid-19 trong một giao dịch dân sự cụ thể là bất khả kháng và áp dụng các biện pháp miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho doanh nghiệp.

Lưu ý: Mặc dù đại dịch covid-19 là đại dịch toàn cầu và có ảnh hưởng đến hầu hết mọi doanh nghiệp trên thị trường, tuy nhiên trong từng giao dịch dân sự cụ thể, nhận định của Toà án về việc Đại dịch covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng không sẽ không hoàn toàn giống nhau.

Điều này phụ thuộc vào bối cảnh và điều kiện của các bên khi tham gia vào giao dịch. Đồng thời, khả năng tranh biện của các Luật sư và hệ thống chứng cứ được cung cấp cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của Toà án.

Trường hợp Quý khách hàng thắc mắc về bất kỳ vấn đề nào hoặc có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý vui lòng liên hệ Luật sư Nhật theo sđt 0898 485 485.

———————–

Xem thêm:

 

# Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *