Quyền được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân trước pháp luật

Quyền được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân trước pháp luật

Khách hàng: Kính thưa Luật sư, gần đây tôi bị một người không quen biết đặt điều, nói xấu trên mạng xã hội facebook. Người này cố tình truyền tải những thông tin hoàn toàn không có thật để xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín của tôi.

Xin Luật sư tư vấn việc danh dự, uy tín, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ như thế nào ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Hãng luật Alegal giải đáp vấn đề của quý khách như sau:

Quyen Duoc Bao Ve Danh Du Nhan Pham Cua Cong Dan

Quyền được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân trước pháp luật

Có thể nói hành vi bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội là hiện tượng không hiếm gặp trong xã hội hiện nay.

Việc bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội có tính chất nguy hiểm và gây thiệt hại lớn hơn so với các hành vi truyền thống bởi tính chất mở của các mạng xã hội, nơi mỗi thông tin sai lệch đều được truyền tải rộng rãi, phát tán nhanh, tiếp cận nhiều người, nhiều đối tượng hơn bao giờ hết.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác. Quyền được bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm là quyền nhân thân cơ bản của mỗi công dân, là quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ tuyệt đối.

Căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Căn cứ điểm d, điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2013 quy định như sau:

Điều 5. Các hành vi bị cấm

1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, pháp luật bảo vệ tuyệt đối uy tín, danh dự, nhân phẩm của mỗi công dân. Những hành vi xâm phạm đều phải bị xử lý nghiêm theo đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm.

Trường hợp Quý khách hàng thắc mắc về bất kỳ vấn đề nào hoặc có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý vui lòng liên hệ Luật sư Nhật theo sđt 0898 485 485.

———————–

Xem thêm:

 

# Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *