Quyền sở hữu tài sản là gì? Nguyên tắc xác lập và thực hiện

1. Quyền sở hữu tài sản là gì?

Quyền sở hữu là một phạm trù pháp lí phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ tài sản nhất định, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh những quan hệ về sở hữu trong xã hội. Các quy phạm pháp luật về sở hữu xác nhận, quy định và bảo vệ các quyền lợi của các chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

Quyền sở hữu là quyền của duy nhất của chủ sở hữu đối với tài sản; là quyền tổng hợp của các quyền năng cụ thế đối với tài sản, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Căn cứ Điều 158 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 158. Quyền sở hữu

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Như vậy, một cá nhân được xác định là chủ sở hữu khi có đầy đủ ba quyền gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Nếu một người chỉ hội đủ một hoặc hai quyền trong số ba quyền trên, thì không được xem là chủ sở hữu mà chỉ là chủ thể có quyền khác đối với tài sản theo như quy định của Điều 159 của Bộ luật dân sự 2015.

Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt.

2. Các quyền khác đối với tài sản

Tại Bộ luật Dân sự 2015, bên cạnh quyền sở hữu còn xuất hiện khái niệm quyền khác đối với tài sản. Căn cứ Điều 159 BLDS quy định về nhóm quyền khác như sau:

Điều 159. Quyền khác đối với tài sản

1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

a) Quyền đối với bất động sản liền kề;

b) Quyền hưởng dụng;

c) Quyền bề mặt.

Quyền khác đối với tài sản là quyền của người không phải chủ đối với tài sản hay là quyền đối với tài sản của người khác. Quyền này bao gồm là ba quyền được liệt kê cụ thể là Quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.

Quyen So Huu Tai San La Gi

Các quyền khác đối với tài sản

3. Nguyên tắc xác lập và thực hiện quyền đối với tài sản theo BLDS 2015

a. Cở sở xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định. Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền được chuyển giao, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, căn cứ xác lập quyền đối với tài sản phải dựa trên quy định của pháp luật. Quy phạm trên quy định nguyên tắc luật điều chỉnh khi chủ thể xác lập, thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản là theo Bộ luật này và các luật khác có liên quan. Quy phạm trên cũng quy định về hiệu lực của quyền khác đối với tài sản trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao thông qua giao dịch dân sự.

b. Phạm vi thực hiện quyền 

Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Như vậy, quyền sở hữu là quyền không tuyệt đối. Chủ tài sản quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên việc thực hiện quyền sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc sử dụng để gây thiệt hại cho người khác hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể khác.

Ví dụ: Anh A có chiếc xe gắn máy với thiết kế tốc độ tối đa lên đến 120 km/h, tuy nhiên pháp luật chỉ cho phép anh A di chuyển với tốc độ 60 km/h.

c. Phạm vi thực hiện quyền quyền khác tài sản

Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu hoặc của người khác.

3. Thời điểm xác lập quyền sở hữu

Căn cứ Điều 161 BLDS 2015 quy định về thời điểm xác lập quyền như sau:

1. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.

2. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, thời điểm xác lập quyền sở hữu bao gồm các điểm sau đây:

a) Thời điểm do luật định

Thời điểm xác lập quyền do luật định là thời điểm mà pháp luật đã ấn định trước, không phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên trong giao dịch và các bên cũng không được quyền thoả thuận về thời điểm này.

Ví dụ: Khoản 2 Điều 458 quy định thời điểm xác lập quyền của người được tặng cho tài sản phải đăng ký như sau: “Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”.

b) Thời điểm theo thoả thuận

Thời điểm xác lập quyền theo thoả thuận là thời điểm do các bên thoả thuận. Các bên chỉ được thoả thuận trong trường hợp pháp luật chưa có quy định và sự thoả thuận đó không được trái các quy định khác của pháp luật.

c) Thời điểm tài sản được chuyển giao

Trong trường hợp pháp luật không có quy định, các bên cũng bên cũng không có thoả thuận trước thì thời điểm chuyển giao trở thành thời điểm xác lập quyền. Thời điểm chuyển giao được giải thích là thời điểm chủ thể có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ thực tế chiếm hữu tài sản.

4. Chủ thể chịu rủi ro về tài sản

 Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ sở hữu hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Trường hợp Quý khách hàng thắc mắc về bất kỳ vấn đề nào hoặc có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý vui lòng liên hệ Luật sư Nhật theo sđt 0898 485 485.

———————–

Xem thêm:

 

# Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *