Các trường hợp phạm tội xóa án tích theo quyết định của Tòa án

1. Án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự

Trong luật hình sự Việt Nam, vấn đề án tích được đề cập đến kể từ khi BLHS năm 1985 có hiệu lực.

Tuy nhiên, để hiểu án tích là gì thì cho đến nay trong các BLHS Việt Nam chưa có một điều luật nào đưa ra định nghĩa pháp lý về án tích, cũng như chưa có một công trình nghiên cứu chuyên khảo độc lập nào đề cập, nghiên cứu chế định án tích một cách toàn diện và có hệ thống.

Việc Bộ luật Hình sự không quy định hoặc giải thích một cách cụ thể như thế nào được gọi là án tích đã dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm, đặc điểm, bản chất và ý nghĩa của án tích.

Căn cứ vào thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, có hiểu án tích như sau:

Án tích là đặc điểm xấu về nhân thân của người đã bị kết án và áp dụng hình phạt, được ghi và lưu lại trong lý lịch tư pháp trong thời gian nhất định, là hậu quả pháp lý bất lợi cho người mang án tích”.

Án tích tồn tại đối với người bị kết án bằng bản án buộc tội của Toà án. Án tích là một đặc điểm nhân thân gắn liền với người đã từng phạm tội và bị kết án.

2. Các trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Xóa án tích theo quyết định của Tòa án là trường hợp mà người mang án tích sau khi chấp hành xong hình phạt chính và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, chỉ được xem là xóa án tích sau khi được Tòa án ra quyết định xóa án tích.

Theo Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về trường hợp xóa án tích theo quyết định của Toà án như sau:

1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, trường hợp “xóa án tích theo quyết định của Tòa án” chỉ áp dụng đối với người bị kết án về các tội danh thuộc về tội phạm an ninh quốc gia, các Tội phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh. 

Cac Truong Hop Xoa An Tich Theo Quy Dinh Cua Phap Luat

3. Thời hạn xóa án tích của trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

– 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

– 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

– 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

– 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp lý vui lòng liên hệ 0898 485 485 (Ls Nhật) để được tư vấn.

———————–

Xem thêm:

Án tích là gì? Đặc điểm và hậu quả pháp lý của người mang án tích

Các trường hợp phạm tội không mang án tích

 

# Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *